Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Giới thiệu & Nội dung mục lục





Nguyễn Đăng Trúc




Tiếp Cận

Tư Tưởng Việt Nam

Vấn Đề Triết Học


 



Định Hướng Tùng Thư Xuất bản  1999
 ISBN 2-912554-05-5
Tái bản    2004   
 ISBN   2- 912554 - 28 - 4

13G rue de l’ILL - 67116 Reichstett – France





Nội Dung

Quyển một



 
Vấn đề triết học
  truyền thống tư tưởng Việt Nam

Tập I   

Vấn đề triết học trong thời đại khoa học


Những tiền đề của triết học truyền thống
Những tiền đề triết học của thời đại tân kỳ
Hư vô chủ nghĩa  -   Mặt trái của triết học
Bên lề triết học
Vấn đề triết học và văn hóa Việt Nam




Tập II   

 Bách Nam và Bách Việt






















Lời dẫn nhập



Lời dẫn nhập



Vào khoảng giữa tiền bán thế kỷ 20, trước cao trào Việt-hóa văn học với những lối định hướng khác nhau, hoặc bảo tồn nếp cũ của truyền thống Á Đông, hoặc đoạn tuyệt với nếp cũ để triệt để theo chân trời mới của Tây phương, kẻ sĩ Sào Nam Phan Bội Châu đã lên tiếng trong Phàm-Lệ của cuốn Khổng Học Đăng như sau:

"Cái danh từ học cũ chẳng phải là cái đồ để đánh cắp áo mũ cân đai đâu? Cái danh từ học mới chẳng phải là cái mồi để hót gạt mề đay kim-khánh đâu...!
Hễ ai đọc bản sách nầy, trước phải lập định một cái chí khí tự nhiên rằng: "Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá Lạp Đồ (Platon), ta là Khang Đức (Emmanuel Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền; ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi. Có chí khí ấy thời đọc quyển sách nầy mới thích.
Nếu ai chưa đọc sách nầy mà trước đã có một ý kiến sẵn: định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay thời xin chớ đọc"[1][1].

Mặc dù còn vào giai đoạn ngập ngừng khi ứng dụng chữ triết học và triết lý, nhưng dường như mặc nhiên cụ Phan đã xếp cuốn Khổng Học Đăng vào loại sách thuộc bộ môn nầy. Trong phần Phàm Lệ cuốn sách, tác giả nói phớt qua rằng:

"Tác giả nói học cũ là nói chân triết lý của Á châu từ thuở xưa"[2][2].

Nhưng một cách minh nhiên, khi mở đầu phần Phàm Lệ, tác giả khẳng định:

"Mục đích người làm bản sách nầy là cốt phù trì nhân đạo; nếu ai không để lòng vào nhân đạo thời xin chớ đọc" [3][3].

Cuốn sách Khổng Học Đăng được viết vào những ngày Phan Bội Châu bị cấm cố ở Huế, khoảng 10 năm trước khi tiên sinh qua đời, hẳn không nhằm mục đích tranh dành hơn thua với ai, cũng không nhằm để cống hiến một kiến thức nào mới mẽ, ngoài ưu tư duy nhất như tác giả nói: phù trì nhân đạo".
"Nhân đạo", đối tượng của Học, dù mang tên cũ là giáo hay đạo, tên mới là triết học, chủ thuyết...thì căn cơ không nằm trong bì phu mang tính lịch sử, nhưng là đào bới cái nguồn chung vượt thời gian để lắng nghe được lời tra vấn mình "Con người là ai?".
Vì thế, dường như nghịch lý khi tác giả vừa cống hiến cho hậu thế một sự hiểu biết về Khổng học, lại vừa nhắn nhủ: "ta là Khổng Tử".
Vậy cái gì đã định được cái nền của "Học"? Hẳn không phải cái xưa nơi Khổng, nơi Platon hay Kant, cũng không phải cái mới của kiến thức tân kỳ của ta hôm nay, nhưng là cái có thể giúp con người vượt lên cổ kim của lịch sử để có được điều mà Phan tiên sinh gọi là "Chí khí tự nhiên", dám bước đi trên con đường chung của con người (nhân đạo). Cái học đó không có chủ định truy tìm "cái gì" dù cao siêu đến mấy theo định kiến của ta, nhưng chỉ nêu lên một thắc mắc duy nhất "là người, làm người". Và nó sẽ không cống hiến cho ta một lợi ích nào trong khuôn khổ ứng dụng vào việc tăng tiến các kiến thức sự vật, sử dụng sự vật.
Vì cái học mà thánh hiền như Khổng, Lão cũng bất cập, mà bậc người dân giả cũng có thể với đến [4][4], nên Phan Bội Châu có thể nói "ta là Khổng Tử".
Do đó, cũng có thể nói cuốn Khổng Học Đăng là một trang sách trong một cuốn sách có tính cách tượng trưng của thi sĩ Mallarmé:

" Một cuốn sách không bắt đầu cũng không chấm dứt, vả chăng có thể ví như thế " [5][5].

Cái học mà Phan tiên sinh gọi là "nhân đạo", không làm nô lệ cho người đời xưa, cũng không làm nô lệ cho người đời nay, vì phương cách diễn đạt xưa - nay tuy có khác, nhưng người là người và đạo làm người là một "Thể", không phải của riêng ta mà cũng không đặc quyền gì của Tây phương, không ưu đãi người xưa, cũng không là sở hữu của một xã hội nào trong tương lai.
Vượt qua tiền kiến nhốt Cái Học nầy vào khuôn lịch sử của một nếp suy nghĩ gọi là luận lý - siêu hình học Tây phương, nhà tư tưởng Karl Jaspers đã dám gọi Socrate - Đức Phật - Đức Giê-su là những đại triết gia; và mô tả sự thể hiện nội dung "Triết" như một Nền cao cả của "nhân đạo" như sau:

" Người cao cả không phải chỉ là người am tường thời đại mình bằng những suy tư riêng, nhưng còn xuyên qua thời đại đó để đụng đến Vô-tận. Nên tác phẩm và cuộc đời của người cao cả chứa đựng một cái gì siêu vượt, nội dung siêu vượt làm cho người ấy trở thành một phát ngôn nhân tự căn nói với tất cả các thời đại, với tất cả mọi người " [6][6].

Người Việt ta hôm nay, người đang sống trên mảnh đất quê hương, hay lưu đày nơi xứ người, chúng ta có lẽ đã vượt qua những ray rứt trong việc chọn lựa cái học cũ - hay cái học mới. Cái cũ như một lối học để làm quan, thay vì ưu tiên làm người, mãi miết lặp lại những câu nói của người xưa tưởng chừng đó là Đạo nằm trong quyền uy riêng của một lớp người của quá khứ, nay đã bị chính định luật biến đổi của thời gian tống khứ đi. Và người người đang tiến về cái học mới hứa hẹn nhiều kiến thức sự vật và giúp con người sở đắc được nhiều tiện nghi.
Từ cái học mới nầy, nhiều học giả, nhà nghiên cứu, triết gia đặt vấn đề xem người Việt chúng ta có một nền "quốc học" không? Có người thì cho là không, như các học giả Dương Quảng Hàm, Trần Trọng Kim đã nhận xét. Gần đây có nhiều vị chủ trương là có; và không những là có mà còn hơn cái học của người ta nữa!
Nhưng cái Học mà Phan tiên sinh cho phép ta nói: ta là Khổng-Tử, ta là Platon, cái Học cho phép ta vượt ra khỏi vòng nô lệ của người xưa, cũng như người đời nay; cái Học làm người (Nhân đạo), chứ không phải là hiểu và sử dụng vật chất; cái Học dường như không có điểm khởi đầu nơi lịch sử hay chấm dứt trong một thời đại nào của lịch sử : cái học "làm người" đó như chỉ là âm vọng réo gọi bên lề của lịch sử dân tộc ta trong suốt thế kỷ qua.
Và không phải đó là vận mệnh bi đát của dân tộc ta trong suốt thế kỷ nay, dù rằng thời đại ta đang sống là điều đáng làm ta suy nghĩ hơn cả. Vận mệnh quên lãng "làm người" để chuyển tráo thành một dự phóng nào đó của con người -  làm quan trong một thể chế quân chủ hay làm dân trong một thể chế dân chủ; vâng phục trật tự xã hội có trên dưới đi kèm với việc bảo vệ các tập tục, lễ nghi..., hay tự do triển nở các tài năng và sở thích, truy tìm các kiến thức khoa học càng ngày càng sâu rộng, sản xuất và sử dụng đầy đủ của cải vật chất... - , vận mệnh quên lãng chính con người và ý nghĩa làm người của mình như thế thực ra là một nguy cơ "nô thuộc" trường kỳ của bất cứ một nền văn hóa nào, một thời đại nào, vì nó là một phần của nghiệp làm người.
Nhưng trong thực tế của cuộc phiêu lưu của con người trong thời gian lịch sử, như sự biểu lộ khả năng nguyên thủy là "quên" gắn bó với thân phận của mình, thì con người, vì nó vẫn là con người, bất chấp những nỗ lực cố quên, vẫn không thể dập tắt được âm vọng từ "Đại-ký-ức" buộc mình phải nhớ.
Cái Học mà Phan tiên sinh thoáng gợi lên, nay sẽ tìm được dấu chỉ trong cuộc tương tranh giữa "nhớ" và "quên" nơi "cõi người ta".
Từ "cõi người ta" hàm ngụ một cuộc tương tranh của thân phận làm người đó, chúng ta lần mò tìm kiếm những vết tích trong văn học của dân tộc, trong sinh hoạt và dự phóng của chính chúng ta hôm nay để tiếp nhận lại cái hồn của nền văn minh - văn hóa của chúng ta.
Lịch sử đang tiếp diễn, ai có thể tiên đoán được rằng sẽ không có những bước nhảy vọt bất ngờ trong tương lai; những ngôn ngữ diễn tả cô động sinh hoạt suy tư về chính thân phận làm người có thể mặc nhiều cái áo khác nhau trong lịch sử, như Đạo, Giáo, tư tưởng, triết học...(và rồi đây có thể có một chiếc áo mới khác) với những phương thức diễn tả khác nữa, nhưng điều quan trọng là đừng mất cái hồn, sự sống trường tồn bên trong.
Vì "Chỉ có cái gì tồn tại mới khai tâm chúng ta"[7][7].




[1][1] Sào nam Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Khai Trí, Sàigòn xb, 1973, Phàm lệ, 1929.
[2][2]  Sđd., phần Phàm Lệ.
[3][3]  Sđd.
[4][4] Xem Trung Dung 12.
[5][5] Jacques Scherer, le"livre" de Mallarmé, Paris 1957, feuillet 181.

[6][6] Karl Jaspers, les Grands Philosophes, tập I, Socrate, Bouddha, Confucius, Jésus, ed. Plon 1989, Paris trd C. Floquet et autres, tr. 36.

[7][7] R.M. RILKE, Sonnets à Orphée, 1, 22, trad J.F.Angelloz.

Tập I - vấn đề triết học trong thời đại khoa học




Tập I


vấn đề triết học
trong thời đại khoa học




Vấn đề triết học

 

Việt Nam có triết học hay không? Câu hỏi nầy đặt ra cho chúng ta, tưởng chừng như triết học là một yếu tố quan trọng cho sinh mệnh của dân tộc.

Nhưng lịch sử của nhân loại vào cuối thế kỷ 20 đồng thời cho chúng ta có cảm tưởng lối đặt vấn đề như thế xem ra phản động, lỗi thời.
Và đó là một vấn đề cống hiến cho chúng ta suy tư.
Cuối thế kỷ 19, F. Nietzsche khám phá rằng bước đi của triết học truyền thống khởi từ thời Socrate của Hy-lạp đã dựa trên những nền tảng lung lay; tiến trình của triết học đó không phải là sự sinh động của tư tưởng con người, nhưng là một giấc mơ liên lỉ của những con người trốn chạy trước những thách đố đầy cam go của cuộc sống, vốn là một bi kịch của Thiên nhiên. Nói cách khác càng hướng về tương lai, vận mệnh của nhân loại chịu sự chi phối của lối tư tưởng triết học truyền thống sẽ đi dần đến cảnh tiêu điều. Ông gọi tiến trình đó là "sa mạc lớn dần".
Trong tiền bán thế kỷ 20, triết gia M. Heidegger dựa vào sự kiểm thảo về nền tảng triết học của Kant, xác minh rằng hư vô chủ nghĩa mà F. Nietzsche nêu lên trong câu nói "Thượng đế đã chết" đi liền với thắc mắc "Phải chăng chúng ta sẽ lạc loài trong cõi hư vô bất định?" không phải chỉ là một chủ trương nói ngược lại những nội dung tích cực về hữu thể của triết học truyền thống.
Nhưng

"hư vô chủ nghĩa đúng hơn, nếu được suy tư ngay tự yếu tính của nó, là một vận hành nền tảng của Lịch sử Tây phương. Nó mang một tầm quan trọng sâu xa đến độ tiến trình khai triển nó chỉ có thể được đem lại những tai ương cho toàn thế giới. Hư vô chủ nghĩa, trong lịch sử của thế giới, là một vận hành đẩy đưa các dân tộc trên trái đất vào khối quyền lực của thời tân kỳ" [1][1].

[1][1] M. Heidegger, Chemins qui ne mènent nulle part, 1949, trad. Wolfgang Brokmeier - Nlle, éd., Gallimard, 1962.




Nói cách khác, các nhà tư tưởng đã thấy rằng chuyển biến của lịch sử nhân loại được điều hành bởi lối triết học truyền thống nầy sẽ đào thải chính sinh hoạt gọi là triết học, đồng thời xoá luôn ý định nguyên thủy đồng hóa tư tưởng con người với lối suy tư triết học đó. Vào thời kỳ mà Martin Heidegger nêu lên những nhận định trên, sinh hoạt triết học đang phát triển cao độ, đặc biệt những năm sau cuộc đại chiến lần thứ hai  [2][2]. Cũng khoảng vào thời gian nầy, vào giữa thế kỷ 20, G. Gusdorf nhận định rõ hơn về sự suy tàn hầu như tất yếu của triết học trong Thời tân kỳ của lịch sử nhân loại đang diễn ra như sau:

" Sự phân công trí thức càng ngày càng rõ nét giản lược nhà siêu hình học, không còn có một lãnh vực rõ rệt nào để đối chiếu, vào vai trò đáng phiền của một chuyên gia về các ý tưởng tổng quát. Mỗi một lãnh vực của hiểu biết chịu chi phối bởi sự hướng dẫn của những kỹ thuật gia có khả năng chuyên môn, không chỉ giỏi nói mà còn hoạt động hữu hiệu. Triết gia được đánh giá là một mẫu người không có tài năng chuyên môn nào cả, lời nói ra không có một ý nghĩa gì thiết thực, nên vấn đề đặt ra là có nên nuôi thêm một miệng ăn không mang lại lợi ích gì nữa hay không - Vấn đề mà một vài chế độ chính trị đã có cách trả lời thoả đáng...Nhân loại ngày nay đã trở nên trưởng thành, sở đắc những phương tiện mới để hiểu biết và hành động. Siêu hình học từ nay chỉ là bộ xương khô đã bị chôn vùi từ một thời dĩ vãng. Sự ngoan cố tồn tại có thể làm trở ngại cho sự tiến bộ cần thiết của văn minh. Vấn đề là xem xét siêu hình học ngày nay có một ý nghĩa và một phần vụ nào không? " [3][3].

Câu trả lời vào cuối thế kỷ 20 dựa vào thực tế lịch sử, là "không".
Nói rằng "không", không có nghĩa là bộ môn triết học không còn nằm trong các chương trình học cấp trung và đại học ở các quốc gia, hay sách vở viết về triết học không còn được xuất bản và lưu hành. Nhưng "không" ở đây có nghĩa rằng vai trò mà triết học được truyền thống văn hóa Tây phương đánh giá như là thắc mắc về nền tảng của tư tưởng và sinh hoạt con người thì ngày nay đã được giải quyết bằng khoa học, tiêu chuẩn vững chắc để đánh giá chân lý. Triết học bây giờ được xem là một bộ môn nghiên cứu về tiến trình kiến thức tiền khoa học, hoặc là tổng số những giả thuyết thúc đẩy khoa học phát triển và sẽ được xác minh lại dựa trên những tiêu chuẩn của chính khoa học.
Platon cho rằng điểm khởi đầu và động lực thúc đẩy suy tư triết học là sự ngạc nhiên. Nhưng tâm thức con người ngày nay đánh giá sự ngạc nhiên đó chẳng qua là tình cảm của con người ở vào tình trạng chưa phát triển về sự hiểu biết khoa học. Jean Brun nhận định về tâm thức phổ biến của con người văn minh ngày nay như sau:

" Các bộ môn khoa học và thiên nhiên, các bộ môn khoa học về con người, các ngành khoa học về kinh tế, các chủ thuyết triết học thực nghiệm, cũng như các chủ thuyết triết học về lịch sử, muốn giải thoát chúng ta khỏi một sự ngạc nhiên được quan niệm như là mặt trái của sự ngu muội, một dấu chứng của một tình trạng thiếu hiểu biết, vướng mắc những hậu quả của tâm thức tiền luận lý " [4][4].

Như thế đặt vấn đề dân tộc Việt Nam có hay không có triết học để làm gì? Chúng ta phải chăng đang sống trong một xã hội nới rộng có tính cách toàn cầu, mà văn minh khoa học kỹ thuật Tây phương được tiếp nhận như một tiến trình tiến hóa phổ quát, thế thì câu hỏi có lẽ xem ra hữu lý và cấp thiết hơn cho sinh mệnh của dân tộc là "Dân tộc Việt Nam đã có những tiến trình phát triển khoa học như thế nào", thay vì đặt câu hỏi có tính cách xa xỉ về vấn đề triết học?
Trước thắc mắc nầy, có người lại nêu lên, cũng rất tổng quát, rằng khoa học chỉ giải quyết vấn đề  "thành công", còn triết học là ưu tư cho vấn đề "thành nhân".
Nhận định nầy buộc ta phải đào sâu thêm về chính nội dung và nền tảng triết học.
Điều mà chúng ta gọi là "thành nhân" cũng là điều mà triết học muốn tìm đến, dù chúng ta có dùng chữ đó theo một nghĩa rộng rãi (như khi  dùng chữ triết học Đông phương, triết học Việt Nam) hay dùng theo nghĩa hẹp đúng theo truyền thống trường ốc và lối suy tư đặc loại của Tây phương.
Vấn đề hiện nay làm ta ngạc nhiên là tại sao còn tồn tại một nỗi nhớ nhung nào đó để thoáng thấy một sự phân cách giữa "thành nhân" và "thành công", trong khi tiến trình lịch sử được hướng dẫn bởi tư tưởng truyền thống triết học Tây phương chứng thực là khoa học được nhìn nhận như là sự hoàn thành của triết học. Thắc mắc đó phải chăng là vết tích của một quá trình lịch sử quá khứ mà một số người lạc hậu chưa gột bỏ được để đồng hành với đà tiến hóa của nhân loại, hay đây chính là triệu chứng con người giật mình trước lịch sử đang trên đà dẫn đưa nhân loại đến sự hủy diệt nhân tính.
Trả lời câu thắc mắc đó buộc ta quay lại xem giữa mục tiêu của triết học đặt ra ngay từ bước đầu và tiến trình mà triết học đã thực hiện qua lịch sử có ăn khớp với nhau, hay từng gặp phải những bước sẩy trật.







[2][2] Xem câu nói của M. Heidegger trong Qu'appelle-t-on penser? 1954 "có ai ngày nay có thể  cho rằng chúng ta chưa hề tư tưởng, khi nơi nơi đều có sự lưu tâm đến triết học, đều muốn truyền bá triết học ngày càng rộng rãi, và mọi người muốn biết về tình hình tiến triển của nó?" Trad. A. Becker et g. Granel, P.U.F, Paris, 1959, tr. 23.

[3][3] G. GUSDORF - Traité de Métaphysique - Armand Colin, Paris, 1956, trg. 81.

[4][4] Jean BRUN, Les Conquêtes de l'homme et la séparation ontologique, PUF Paris, 1961,trg. 1.

Những tiền đề của triết học truyền thống



  
Những tiền đề
của triết học truyền thống


Theo các tác phẩm cổ điển, "triết học bắt nguồn ở Milet vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên" [1][1].
Khi nêu lên lối suy nghĩ phổ cập nầy của người Tây phương qua các thế kỷ, G. Gusdorf ngạc nhiên về lối nhận định còn mơ hồ, thiếu kiểm chứng:

" Như thế thì trước thế kỷ thứ 6 không có gì xảy ra hay sao, và những nơi khác ngoài Milet thì sao?" [2][2].

Nhưng, mỗi lần đối đầu với những xã hội văn minh khác, những nếp suy tư khác mình, thì như để biện minh cho nền tảng suy tư triết học truyền thống Hy-lạp Tây phương, người ta vội đưa ra một đặc tính phổ quát như một đặc quyền đương nhiên của truyền thống ấy về sở đắc chân lý nhằm tuyển lựa, thanh lọc mọi yếu tố dị biệt. Nhưng liệu Tây phương hóa được đồng hóa với một tiến trình phổ biến chân lý cho mọi dân tộc theo một mẫu mực riêng của mình như thế, thực sự có một cơ sở nào vững chắc để xác minh không? Cho đến nay, người ta thường dựa vào thực tế lớn mạnh của Tây phương về đủ mọi mặt trên các phần đất của thế giới để mặc nhiên nhìn nhận tính phổ quát nầy, nhưng sự kiến hiệu của sức mạnh bên ngoài trong một giai đoạn của lịch sử nhân loại có phải là một tiêu chuẩn tất yếu để định giá tư tưởng và triết học không?
Kỳ thực ngay khi nêu danh Socrate như một mấu móc khởi nguyên cho lịch sử của triết học truyền thống, thì người ta đã chứng kiến một thực tế ngược lại quan điểm nầy: Socrate được đánh giá là người tiền phong đưa chân lý từ trời xuống nơi tâm hồn của con người, Socrate đó đã không phải là người ở bên lề của một xã hội lịch sử lấy sự kiến hiệu của hành động thay cho suy tư khám phá chân lý hay sao? Socrate đã không bị những quyền lực xã hội chính thức lên án tử hình, và đồng thời lại được truyền thống triết học tuyên dương là con người xem ra như thua cuộc trước phán đoán của xã hội lịch sử đương thời, nhưng đã chiến thắng trong chân lý hay sao?
Nhưng Socrate chết cho chân lý và đi ngược với trào lưu lịch sử đó đã bị truyền thống triết học lãng quên; người ta chỉ còn biết đến một Socrate được giản lược vào nhân vật đề cao lý trí vạn năng của con người trong sự hiểu biết về chính mình, cũng như thần thánh và vũ trụ bên ngoài:

" Lịch sử triết học, được đồng hóa với kỷ nguyên Socrate, tự cho mình có phận vụ tập hợp những hình ảnh của những ai đã đặt vấn đề triết học như Socrate và khai triển vấn đề theo đúng các phương pháp tương tự như phương pháp của ông. Nên khởi đầu cũng đã là hoàn tất. Bắt đầu với Socrate, thì chấm dứt cùng với ông ấy; người ta thu hẹp toàn bộ tư tưởng nhân loại vào mấy bức tường của một truyền thống. Tên của Khổng Tử sẽ không được nhắc đến, kể cả tên của Đức Phật - và tên của Đức Giêsu chỉ được nêu lên qua ngõ ngách của một lối biến thể, gọi tên là học thuyết Socrate Kitô giáo. Emile Bréhier nói rõ ràng như thế nầy: Nếu không có sự trung gian của Socrate, không có triết học Kitô giáo (Histore de la Philosophie T.I., trang 494) " [3][3].

Socrate đã được tôn vinh là khởi đầu và là điểm chấm dứt của triết học vì triết học chỉ được hiểu là sự  "hiểu biết".
"Hiểu biết" được rút ra từ câu châm ngôn ghi trước mặt tiền đền thờ Delphes "Người ơi hãy tự biết mình", mà Socrate nhắc lại như tóm kết về sự khôn ngoan mà ông truyền bá; nhưng nội dung của nó đã không được hiểu trong toàn bộ tương quan giữa câu nầy và cảm nhận riêng của Socrate:

"Người ơi hãy tự biết mình"
"Và tôi, Socrate tôi tự thú là điều tôi biết duy nhất chính là tôi không biết gì cả" [4][4].

Thực ra cái mới nơi Socrate là lấy chính cuộc đời, cảm hứng và kinh nghiệm của mình để diễn tả nỗi khắc khoải nơi tâm hồn con người hướng về chân lý thay cho lối diễn tả bằng thi ca, huyền thoại và bi kịch trước đó của Hy-lạp. Kinh nghiệm thiết thân nầy đi kèm với một lối nói thông thường của những đối thoại, giao tiếp hằng ngày của con người trong cuộc sống thực tế. Nhưng hình thức trình bày mới nầy không mảy may  xoá bỏ hay lờ đi những thảm kịch cam go của thân phận làm người; một thân phận bị thúc bách bởi lời mời gọi ý thức về bản tính chân thật của mình, đồng thời lại cảm nhận một giới hạn không vượt qua nổi.
Vượt lên trên hình thức diễn tả trước thời ông, Socrate đã dám cập nhật bi kịch làm người từng được trình bày ở đằng xa, trong huyền thoại và lối diễn tả có tính cách quần chúng về sân khấu, bi kịch, để đưa vào hiện sinh và ngôn ngữ của mỗi người, và cụ thể là của cuộc đời ông.

Tuy thế, F. Nietzsche đã nêu lên một Socrate mơ mộng ngây ngô chủ trương lấy sự hiểu biết của mình để xác minh nền tảng chân lý như một vật có sẵn trong tầm tay, một Socrate đã chấm dứt truyền thống bi kịch Hy-lạp... Nhận định như thế phải chăng còn câu chấp về hình thức diễn đạt hoặc giả không muốn biết đến một Socrate nào khác ngoài hình ảnh giản lược của truyền thống triết học gán cho Socrate!

Truyền thống triết học Tây phương, mặc dù vẫn có trong tay những tài liệu nầy về Socrate (phần lớn qua các tác phẩm của Platon), nhưng lạ thay mỗi lần nhắc lại Socrate như bậc thầy khai sáng ra triết học thì người ta lại chuyển ông thành một nhân vật trong bài thơ về Hữu thể của Parménide.
Phần mở đầu của bài thơ ấy hầu như diễn tả tóm gọn nội dung mà truyền thống Tây phương gán cho Socrate:

"Những con ngựa cái chở tôi, đã dẫn tôi viễn du theo đúng như những gì mà lòng tôi có thể mong ước, vì chúng đưa tôi qua con đường phong phú của mạc khải thần thánh; con đường xuyên qua cái thị thành, dẫn lối kẻ hiểu biết " [5][5].

Tư tưởng ví như một giấc mơ, vuợt lên trên thân phận con người trong thời gian - không gian, để đi vào cảnh vực của chân lý mở toang ra cho con người.
Từ trong chân trời mới đó, từ nay triết học mở ra, đặt nền trên một xác quyết:

"Suy tư và hữu thể chính là đồng nhất" [6][6].

"Hiểu biết" được gọi là suy tư triết học khi đặt nền sự suy tư đó trên sự am tường tiên thiên rằng "suy tư và hữu thể chính là đồng nhất thể", con người nắm được khả năng quán triệt sự đồng nhất nầy.
Đó là hai tiền đề căn bản thiết định bản chất và tiến trình của triết học Tây phương giải minh câu nói của G. Gusdorf: người ta khởi đầu với Socrate, thì cũng chấm dứt với ông. Thực ra chính trong bài thơ của Parménide cũng đã có một câu tương tự:

"Mọi sự đến với tôi là một, từ nơi đó tôi khởi đầu, và cũng chính nơi ấy tôi sẽ trở về lại"[7][7].

Nói một cách khác

 "tất yếu rằng điều có thể suy tư và nói lên được, điều đó phải là hữu thể" [8][8].

Xuyên qua lịch sử triết học Tây phương và ảnh hưởng của lối thiết định bản chất và tư tưởng con người khởi từ các tiền đề được xem là tất yếu và không cần xét lại nầy, đã có nhiều phương cách để khai triển về hai lãnh vực suy tư và hữu thể; và từ đó có những hình thức diễn đạt khác nhau.
Nhưng tiêu chuẩn có thể đánh giá chân lý của triết học là làm sao tìm được sự tương hợp giữa suy tư, đối tượng của suy tư (hữu thể) và phương cách diễn đạt, tiền kiến rằng cả ba là một nhất thể.
Chúng ta không liệt kê ra đây những diễn tiến của lối suy tư triết học nầy qua nhiều thời đại lịch sử, rất đa tạp với những hệ thống và tên gọi khác nhau. Nhưng cuộc viễn du có qua "bao nhiêu thị thành", nghĩa là xuyên qua bao hệ thống khác nhau thì hai tiền đề trên vẫn là tiêu chuẩn để xác minh tên gọi của chúng.
Và câu hỏi đáng làm ta suy nghĩ vào thời đại của chúng ta là tại sao có sự đào thải triết học đồng thời với sự xuất hiện của khoa học.
Thông thường người ta tránh né trả lời trực tiếp vào nội dung của thắc mắc về sự đào thải bộ môn và sinh hoạt triết học, hoặc về sự quên lãng tính cách nền tảng tối thượng của suy tư triết học được đồng hóa với yếu tính của con người, mà chỉ nhắc lại sự phân biệt có tính cách truyền thống giữa triết học và khoa học dựa vào đối tượng riêng của mỗi bộ môn. Khoa học được hạn chế vào các đối tượng hữu hình, có thể nói thuộc trật tự thiên nhiên, vật chất, còn triết học có đối tượng là "con người suy tư", hiểu biết được nguyên lý của các sự vật  [9][9].
Thực ra sự phân biệt đó không còn ăn khớp với diễn tiến sinh hoạt của khoa học ngày nay. Một mặt những sinh hoạt được xem là phần đất riêng của triết học truyền thống đều chuyển dần qua lãnh vực của khoa học, được gọi chung một cách như đã quen thuộc là khoa học nhân văn, ngay cả bộ môn gọi là khoa học tôn giáo. Và trong viễn tượng đó, người ta không hiểu tại sao triết học còn tự nhận rằng sự hiểu biết các nguyên lý của các sự vật là phần đất riêng của mình, trong lúc khoa học còn tiến hóa và truy tìm về nguồn gốc của vũ trụ, cũng như của sinh vật người?
Vào những năm tháng chúng ta đang sống, trước những khó khăn của xã hội mà người ta đánh giá là do hậu quả của phát triển và áp dụng không ý thức của các bộ môn khoa học, đặc biệt là khoa học kỹ thuật, thì tưởng chừng như có sự xét lại tận căn về một cái gì bất ổn sâu xa hơn. Nhưng sự thể không xảy ra như thế. Khi gặp những hậu quả còn hạn chế và tiêu cực của một ngành khoa học nầy, thì một nền khoa học khác lại phát sinh để tìm phương thức giải quyết. Nếu có nguy cơ nguyên tử, ô nhiễm môi sinh, thì có khoa học môi sinh đáp ứng nhu cầu điều chỉnh...
Người ta một lần nữa lại phân biệt sinh hoạt thuần túy khoa học và tâm thức con người lấy khoa học làm nền tảng cho toàn bộ suy tư và hành động của con người. Nói cách khác phải phân biệt khoa học và khoa học chủ nghĩa. Phần sau nầy được xếp là thuộc về một tư duy thuần triết lý.
Nhưng tại sao một triết thuyết lại chối từ bản chất triết học của mình? Và tại sao sinh hoạt triết học truyền thống không đủ sinh lực để biện minh cho sự tồn tại của mình trong tâm thức của con người thời đại chúng ta?
F. Nietzsche diễn tả tình trạng nầy là "Sa mạc lớn dần". Và để giải thích câu nói bóng bảy nầy, M. Heidegger khi chân nhận suy tư là sinh lực của con người, thì khẳng định không tương nhượng rằng: "Khoa học không suy tư gì cả " [10][10]. Và còn hơn thế nữa, truyền thống triết học, trong đó chủ nghĩa khoa học là một bước đường cuối cùng, tự đồng hóa sinh hoạt của mình như là một nỗ lực suy tư cao độ và nền tảng, thì thực sự nó cũng chưa từng suy tư bao giờ:

" Điều đáng làm ta suy tư hơn cả trong thời đại đang thúc đẩy chúng ta suy tư, thời đại hôm nay của chúng ta, đó là chúng ta chưa từng suy tư "[11][11].

Thời đại đáng làm ta suy tư vì triết học tự nhận là suy tư đang tự hủy chính mình, cống hiến cho chúng ta một dấu chỉ để truy tìm bước sa sẩy căn nguyên của sự đồng hóa nầy, đồng thời để đặt lại vấn đề về bản chất uyên nguyên của suy tư gắn liền với thân phận con người.








[1][1] G. Gusdorf, Traité de Métaphysique, ed Armand Colin, Paris, 1956, trg. 7.
[2][2] Sđd., tr.1.

[3][3] Sđd., tr. 8.
[4][4] PLATON, Apologie 21b, 23b.

[5][5] Sđd., số III
[6][6] Sđd. Số III
[7][7]  Sđd., số V.
[8][8] Sđd., số VI.
[9][9] Xem A. G. Baumgarten, Metaphysica 11e  éd. (1743) : "Siêu hình học là bộ môn chứa đựng những nền tảng tối thượng về sự vật do sự hiểu biết của con người".

[10][10] M. Heidegger, Qu'appelle-t-on penser? Trad A. Becker et G.Granel, PUF 1ère  éd 1959 -  4è éd, 1983, tr. 26.
[11][11]  Sđd., tr. 24.