Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Chân tính và thời gian



Chân tính và thời gian 

Câu truyện Hồng-Bàng-Thị được kết cấu từng đợt nhằm diễn đạt những mối tương giao nguyên sơ tạo thành chân tính con người. Các mối tương giao nền tảng đó gọi là các chiều kích Đất - Trời - Người luôn gắn bó với nhau làm nên Đạo hay nguồn sinh lực chân thật của nhân tính. Nhưng bên cạnh việc khám phá ra chân tính của con người, tác giả câu truyện đồng thời mô tả thực tại của con người tại thế, một thực tại đã che mờ chân tính và có thể đánh mất chân tính; hơn thế nữa, từ tiếng vọng của Đại Ký Ức là dấu vết không thể xoá nhoà, thực tại nhân sinh lầm lạc lại có thể khắc khoải tìm về chân tính của mình.

Bố cục bản văn

Đoạn  đầu và đoạn hai của câu truyện

Đế Minh, con cháu Thần Nông (Đất) - gặp Vụ Tiên (Trời) sinh Lộc Tục (Người) hướng về Nam (= trực giác về chân tính).
Nhưng cũng ở phần nầy lại có Đế Nghi (Đất) sinh Đế Lai, một thực tại của con người không những trụ ở phương Bắc tượng trưng cho sự dừng lại của con người nơi thế giới nhân vi, mà còn lạm dụng ý hướng đi về Nam với chủ định biến chân trời của Bách Nam thành nơi khai thác của cải, nới rộng quyền uy và lòng ham muốn vị kỷ, để xoá bỏ mối tương giao với Trời và Người (= thực tại lầm lạc của nhân sinh).

Phần đầu đoạn hai của câu truyện

Âu Cơ, thân phận lệ thuộc vào nhân sinh lầm lạc là Đế Lai, lại được kết hợp với Lạc-Long-Quân (Trời) khai mở nhân tính căn cơ, mà chốn cư ngụ là Long Trang. Hình ảnh nguyên sơ và cũng là chung cuộc của Đạo làm người.
Nhưng kế liền, là việc mô tả số phận chung cuộc của Đế Lai. Đế Lai thua cuộc trước uy lực của Lạc Long Quân, đành trở về Bắc là vùng đất "lạc lầm", con người luôn mãi lưu lạc qua hình ảnh người con của Đế Lai là Đế Du. Và cuối cùng Hoàng Đế (chữ hoàng là màu vàng, tượng trưng cho Vương Đạo Đất-Trời người hội tụ) đã kết liễu con người cuối cùng của một dòng họ chỉ biết có ngườiđất, trước Bản Tuyền (= Suối nguồn căn nguyên). Đoạn nầy tương hợp với câu truyện "Oedipe làm vua" của thi hào Sophocle. Oedipe đã giết cha hợp hôn với chính Mẹ của mình. Số phận dành cho Oedipe là lưu lạc khắp nơi và chứng kiến Mẹ Jocaste (tượng trưng cho Đất) phải thắt cổ tự vẫn.

Phần cuối đoạn ba và phần đầu đoạn bốn của câu truyện

Tác giả Hồng Bàng Thị cũng áp dụng lối văn đối chiếu song hành của các tiết mục trên, nhưng ở đây, tác giả không những diễn tả lại một cách hệ thống và cô đọng hơn về chân tính con người và thực tại của nhân sinh, mà còn mở ra một con đường thoát: con đường hy vọng trực giác về Đạo Tâm (= Tương Dạ).

Ba tiểu đoạn nầy cô đọng toàn bộ trực giác nền tảng về nhân tính trong Truyền thống Văn hóa Việt Nam:

1- "Âu-Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm,  sinh ra bọc trứng, cho là điềm không hay nên bỏ ra ngoài đồng nội; hơn bảy ngày, trong bọc nở ra 100 trứng, mỗi trứng là một con trai; nàng đem về nuôi nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.

2-  Long Quân ở lâu dưới Thủy phủ; mẹ con ở một mình, nhớ về Bắc quốc liền lên biên cảnh; Hoàng-đế nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trấn ngự quan tái. Mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Long Quân.
Bố phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ.

3-       Long Quân đột nhiên lại đến, gặp mẹ con ở Tương Dạ".

Về mạch văn ba tiểu đoạn nầy cho thấy có một sự đứt đoạn làm cho người ta phải đặt thành vấn đề. Đứt đoạn về sự hiện diện của Lạc Long Quân với Âu Cơ trong tiểu đoạn đầu và sự vắng mặt của Long Quân trong tiểu đoạn 2, và gặp gỡ lại trong tiểu đoạn 3.
Sự đứt đoạn nầy chỉ giải thích được, vì tác giả ngầm nêu lên hai cảnh giới khác nhau hội tụ trong một nhân tính.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét