Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Hư vô chủ nghĩa - Mặt trái của Triết học




Hư vô chủ nghĩa

Mặt trái của Triết học

 



Phải chăng tiến trình tự hình thành của Nhân loại qua lịch sử nơi Hegel lại cũng là một xác quyết võ đoán, một giấc mơ mới nối tiếp giấc mơ của truyền thống tư tưởng triết học khởi từ những tiền đề không kiểm chứng được của Parménide?
Lạc quan ngây ngô đó của Hegel và hệ thống cứng nhắc của triết học của ông làm cho Schopenhauer (1788-1860), người đương thời của Hegel, khó chịu. Nhà tư tưởng nghịch đời nầy, được các học giả Tây phương gọi là "triết gia phật giáo", quay trở lại sự phân biệt của Kant, mà ông cho là người có công phân biệt giữa hiện tượng và bản chất. Nhưng ông cho rằng Kant đã mắc cạn vì tiền kiến khả năng vô tận của lý trí. Schopenhauer cho rằng tiên kiến đó là một tồn tại tiêu cực của truyền thống triết học cổ điển. Với ảnh hưởng của các triết gia đương thời đề cao về sự sống, đặc biệt với sự khám phá những tài liệu của các tôn giáo của Ấn độ, ông chuyển nội dung chữ hiện tượng và bản chất của Kant qua một lối giải thích mới. Ông cho rằng bản chất của toàn vũ trụ là "Ý muốn sống", mà ngôn ngữ Ấn-độ gọi là Dục. Mọi hiện tượng trong vũ trụ đều là bào ảnh của Dục và thế giới bày ra trước mắt chỉ là một biểu tượng của năng lực muốn sống đó. Các hiện tượng bên ngoài ta thấy được, biết được chẳng qua là ảo ảnh chứ không phải là thực. Nên vào năm 1818 ông viết cuốn sách thời danh "Thế giới như là ý muốn và như là biểu tượng". Bản chất thực sự của muôn vật vốn vô lý, nó luôn tự chối mình trong sự xuất hiện ra bên ngoài trong thế giới hiện tượng mà ta ngỡ là thực: Kinh nghiệm cho ta thấy từ loài vật đến con người, mọi sinh vật đều tìm cách giết hại nhau, cuộc sống đang muốn hủy diệt chính mình. Nhưng tại sao ta lại có cảm thức thế giới là thực; vì giữa bản chất và biểu tượng có một bức màn che mờ, tìm cách dối ta. Bức màn đó ngôn ngữ Ấn-độ tượng hình qua nữ thần Maya. Bức màn Maya chắn lối không cho ta thấy bản chất vô lý của Ý chí muốn sống, vốn là một năng lực mù quáng, một nỗ lực không có mục đích nào vì luôn tự chối mình. Nhưng suy tư triết học của Kant dựa trên tiền đề mặc nhiên về sự tương hợp giữa bản chất và hiện tượng, đồng thời cũng tiền kiến ánh sáng vô tận của Bản chất lý trí vô hạn; suy tư như thế, là xây dựng căn nhà trên cát. Và xác quyết sự vững chãi kiến thức sự vật xuyên qua các hiện tượng là một nỗ lực hoài công . Suy tư cao độ nay không những là kéo bức màn Maya của cuộc đời xuống để từ đó thấy được cái "không" tự căn của cuộc sống bên ngoài; và hơn thế nữa cần phải diệt tận căn Ý chí muốn sống nơi ta: Bấy giờ là giải thoát ở cái Không căn nguyên, gọi là Niết-bàn. Đây là một lối nhận thức rất kỳ lạ về tư tưởng Đức Phật, thường chập chờn lẫn lộn với các trường phái tư tưởng mà Đức Phật tìm cách vượt qua.  Nhưng ảnh hưởng lối giải thích nầy đã được Tây phương hóa qua Schopenhauer và từ đó có điều kiện phổ cập ra trong nhiều giới mỗi khi nhắc đến tư tưởng của Đức Phật.
Một cách tổng quát Nirvana, hay còn gọi là "Không", được hiểu là một yếu tố đối nghịch, trên bình diện hữu thể học gọi là Vô-thể, trong bình diện lý luận gọi là Vô-lý. Từ đó lý thuyết nhà Phật, và đồng thời được đồng hóa với một Đông-phương nào đó, như là một thứ chủ nghĩa bi quan về cuộc đời, một hư vô chủ nghĩa hay còn gọi là một thuyết tăm tối về mặt hữu thể học.
Nietzsche (1884-1900) khởi đầu suy tư triết học với hành trang tư tưởng nầy của Schopenhauer. Ông khâm phục Kant vì đã tìm ra đúng chữ Trí tưởng tượng như là nền tư duy con người.
Nhưng nếu Schopenhauer đã chuyển nội dung của hiện tượng của Kant, thì Nietzsche lại hiểu Trí tưởng tượng theo một nghĩa truyền thống trước Kant: Theo Nietzsche thì khởi thủy của suy tư dựa vào lý trí là trí tưởng tượng, nhưng trí tưởng tượng nầy là một khả năng của giấc mơ trốn thoát Bản chất phi lý của cuộc sống.
Trái với Schopenhauer, như đã bị mất hồn vào Nirvana để trốn nợ đời, Nietzsche quay trở lại truyền thống văn hóa Hy-lạp để tìm thấy nơi đó một cái gì rất dũng mạnh, cao xa mà triết học truyền thống, hiện thân là Socrate, Platon đã đánh mất. Quay về buổi bình minh của sự vươn lên của tư tưởng Hy-lạp, Nietzsche khám phá ra thời tiền triết học mà ông gọi là thời của Bi kịch.
Tác phẩm đầu tay của ông vì thế lấy tên là "Sự khai sinh của bi kịch" (1872), hàm ngụ không những mô tả một sự kiện lịch sử đã qua của một dân tộc, nhưng là một kinh nghiệm có tính cách phổ quát về một lối tư duy được ông đánh giá là trung thực hơn cả.
Khởi đầu cuốn sách nầy, ông cho rằng sự xuất lộ của Thiên Nhiên, Sự Sống, đúng là trò chơi của Cái Toàn Thể, Mẹ của muôn vật qua năng lực gọi là Apollon và Dionysos, giấc mơ của lý trí và sự xô bồ điên loạn của cảm năng.

"Hai bản năng đó rất khác nhau lại song hành bên nhau, thường lại ở vào tình trạng tranh chấp rõ rệt, kích thích nhau để tác tạo những điều mới mẻ và mãnh liệt hơn, hầu vĩnh viễn kéo dài cuộc tranh chấp giữa hai lực đối nghịch nầy, mà tên gọi của nghệ thuật được gọi chung cho chúng, nhưng sự phối hợp đó chỉ có tính cách bề ngoài; thế rồi đến cùng, nhờ một phép lạ của "Ý chí" có tính cách Hy-lạp, chúng lại quấn quít với nhau, và trong cuộc giao hợp đó, chúng nảy sinh ra một tác phẩm nghệ thuật vừa Dionysos lại vừa Apollon của bi kịch attique " [1][1].

Cái khác giữa Nietzsche và Kant là một bên dựa trên kinh nghiệm của nghệ thuật, đặc biệt bi kịch của Hy lạp, được Nietzsche xem là đang phục hoạt lại qua sáng tác của nhạc sĩ Richard Wagner, còn Kant khởi từ nhận định về thành công của toán học và vật lý.
Kant thì cho rằng sinh hoạt cuộc đời con người, và rõ hơn là lý trí, hàm ngụ hai khả năng một là trí tưởng tượng tiên nghiệm để kiến thức sự vật, còn ý chí thuộc lãnh vực đạo đức; hai khả năng nầy của lý trí con người hàm ngụ tiên thiên một sự tương hợp với sự hiểu biết và cách cư xử của lý trí tối thượng, nguyên thủy. Còn Nietzsche thì chịu ảnh hưởng của Schopenhauer về bản chất sự vật là Ý chí muốn sống, nguồn của mọi vật, nên trí tưởng tượng tiên nghiệm nay là Apollon và ý chí đó là Dionysos. Apollon, là một khả năng tạo ra những giấc mơ gọi là lý trí; Dionysos không phải là ý chí của một cá thể tự do, thể hiện mức sống tối cao của lý trí, tạo tương giao giữa người và người  (theo Kant được xem là cùng đích chứ không phải là hiện tượng của kiến thức sự vật), nhưng Dionysos là năng lực của thiên nhiên xuất hiện nơi con người nhằm xóa bỏ cá thể giả tạo để hoà mình vào bản chất phi lý của thiên nhiên và sự sống.
Hai nhân vật Hy-lạp được F. Nietzsche đề cao như những cột trụ mới cho một nền tư tưởng sinh động, tư tưởng về cuộc sống căn nguyên và trò đùa đầy bi thương của nhân sinh là Héraclite và Eschyle. Một Héralite không những không được hiểu là nhân vật cảm nhận được Logos "luôn luôn là thật, mà mọi người không thể có khả năng để hiểu, dù có lần được nghe hay là chưa từng được nghe nói đến" [2][2]; cũng không phải là một triết gia tiên khởi chủ trương hữu thể và chân lý là dòng tiến hóa hữu lý của Tinh thần nơi thời gian và lịch sử trôi chảy, theo cách hiểu và khai triển của Hegel; nhưng một Héraclite đối kháng với Socrate mơ mộng, đúng hơn là đối kháng với căn nguồn bất động, phổ quát của lý trí đồng nghĩa với Hữu thể nơi Parménide. Theo Nietzsche, Héraclite đã thấy được căn nguồn mọi vật là cuộc sống, sinh động, phi lý:

"Thần thánh là ngày và đêm, đông và hè, chiến tranh và hoà bình, dư đầy và thiếu thốn...[3][3]
" Polemos" (xung đột) là cha của mọi vật và vua muôn loài...[4][4]
 "Thiện hảo và sự ác tất cả chỉ là một [5][5].
Đường hướng lên cao, và đường về cõi thấp cũng là một và đồng nhất" [6][6].

Kỳ cùng

"Thời gian là một trẻ em đang chơi cờ...[7][7].

Nhưng chính Eschyle mới đáng được gọi là một nhân vật Hy-lạp phi thường khi diễn tả tư tưởng nầy trong nghệ thuật, tức là bi kịch Hy-lạp; đối với Nietzsche nghệ thuật, chứ không phải kiến thức khoa học, mới là hiện tượng lịch sử mà con người có thể diễn tả trung thực đời sống căn nguyên:

"Những mẫu mực tiên phong của những cá tính bi kịch cao cả là những con người phi thường sống vào thời ấy: Những anh hùng của Eschyle thuộc họ hàng với Héraclite" [8][8].

Và anh hùng nổi bật trong bi kịch của Eschyle là Prométhée.

"Lưỡng tính căn nguyên của Prométhée trong bi kịch Eschyle đó là bản tính vừa Dionysos và vừa Apollon; lưỡng tính đó có thể được diễn tả trong lối nói trừu tượng là: "Mọi cái hiện hữu đều công chính và bất công, và đều có thể biện minh được trong hai trường hợp " [9][9].

Nhưng mặc nhiên, Dionysos phải toàn thắng Apollon vì nó là còn là năng lực buộc Apollon trở về căn nguồn giấc mơ của mình, thoát ra sự lầm lạc của truyền thống triết lý duy lý và lạc quan ngây ngô, muốn dừng lại nơi sự vững chãi không căn cứ của lý trí.

"Những giai đoạn lịch sử của con người theo mẫu Socrate đã qua rồi...các người hãy có can đảm làm người bi kịch, vì nhờ thế các người sẽ được cứu thoát! Các người sẽ đi vào cuộc nhảy múa Dionysos, từ vùng đất Ấn-độ đến Hy-lạp " [10][10].

Như thế việc đề cao Dionysos được nêu lên như một lối suy tư đối nghịch với điều Nietzsche gọi là mê lộ của truyền thống triết học Tây phương vừa Hy-lạp duy lý vừa đồng hóa với truyền thống tôn giáo Do-thái - Kitô giáo.
Từ hữu thể bất động, lý trí phổ quát, và sau đó là dung hợp đất - trời - người trong một tiến trình liên tục, lạc quan, tiến bộ...nay đi đến một cuộc sống sinh động, phi lý tự căn, đồng nhất hóa mọi vật vào một trò đùa không chủ đích, một vòng quay mà sau nầy Nietzsche gọi là sự quay vòng lại luôn mãi (Eternel retour) của những trò đùa vũ trụ và nhân sinh y hệt, đầy đau thương vô nghĩa; nhưng đau thương đó, vô nghĩa đó là thách đố của những con người "Siêu nhân" (Sur-homme), cảm nghiệm trò đùa tai ác nầy như một niềm vui.
Heidegger nhận xét về sự đổi tráo từ ra không của Nietzsche và thân phận của siêu hình học xây dựng trên "vật thể" được đồng hóa với "hữu thể" như sau:

"Sau sự đổi tráo do Nietzsche thực hiện, siêu hình học chỉ còn một cách là tự hủy nơi bản chất sai lạc của mình. Cái gọi là siêu hình, siêu-cảm chỉ là sản phẩm thay thay đổi của thế giới thuộc cảm năng. Sự truất phế phần siêu hình cũng đồng thời xoá bỏ hữu hình, và từ đó cũng xoá luôn sự phân biệt giữa hai thế giới nầy " [11][11].

Và lịch sử trọn thế kỷ 20, mà chúng ta đang sống những năm cuối cùng ngắn ngủi, diễn ra như một cuộc khai thác triệt để những cảm hứng từ hai năng lực lý trí tràn đầy ánh sáng và sự sống không kềm toả, kỳ bí nầy. Vào bán thế kỷ đầu, cuộc cách mạng vô sản nhân danh những giá trị cao đẹp nhất của khoa học, biện chứng, để hướng đến một cuộc hoàn tất lịch sử ngay trong thời gian: một thiên đàng trần thế chấm dứt mọi xung khắc giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Và vào giữa thế kỷ, nhân danh ý chí quyền lực như một giá trị tuyệt vời của siêu nhân, tận dụng tất cả mọi khả năng từ trí tuệ đến cảm năng, một nhóm người "lãng mạn" và điên cuồng đã bất chấp đạo đức truyền thống, tôn vinh ý chí quyền lực, dấy lên cuộc thế chiến thứ hai.
Và những ngày tháng tạm gọi là không chiến tranh, thì sinh hoạt chính thức diễn tiến của xã hội như một cuộc sống chung, đôi lúc xung đụng giả tạo, đôi lúc như một tổng hợp hài hoà giữa một mặt là trật tự ban ngày của khoa học phát triển, phân công sản xuất, điều hoà tiêu thụ, và mặt kia là bóng đêm của Dionysos bung nổ trong những hình thức thoát ly, xuất thần, đập phá.


64[11] M. HEIDEGGER, Chemins qui ne mènent nulle part, tr. 253.

[12][1]  Nietzsche, la Naissance de la tragédie, trad. Gennneviève Bianquis, éd Gallimard 1949, đọan I.

[13][2]  HERACLITE, Fg. 1.

[14][3]  Sđd., Fg.38.

[i][4]  Sđd., Fg.44.
[ii][5]  Sđd., Fg. 57.
[iii][6]  Sđd., Fg.69. 
[15][7] Sđd., Fg. 79.
[16][8] Nietzsche, Naissance de la tragédie, chú thích 12.
[17][9] Sđd, số 9.
[18][10] Sđd, số 20.

[19][11] M. HEIDEGGER, Chemins qui ne mènent nulle part, tr. 253.













 



[1][1]  Nietzsche, la Naissance de la tragédie, trad. Gennneviève Bianquis, éd Gallimard 1949, đọan I.

[2][2]  HERACLITE, Fg. 1.

[3][3]  Sđd., Fg.38.

[4][4]  Sđd., Fg.44.
[5][5]  Sđd., Fg. 57.
[6][6]  Sđd., Fg.69. 
[7][7] Sđd., Fg. 79.
[8][8] Nietzsche, Naissance de la tragédie, chú thích 12.
[9][9] Sđd, số 9.
[10][10] Sđd, số 20.
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét